Cái tôi cá nhân được ví như một đoạn ADN quy định tính cách, thể hiện phẩm chất của một người. Đặc biệt, nó còn làm cho bản thể trở nên độc bản và thú vị hơn. Nuôi dưỡng và phát triển một cái tôi lành mạnh là điều ưu tiên hàng đầu của những người làm công việc về sáng tạo.
Cái tôi có quan trọng với người làm sáng tạo đến vậy?
Theo bạn, ý tưởng sáng tạo thường đến từ đâu? Apex tụi mình vẫn hay mách với nhau rằng, ý tưởng không phải thứ từ trên trời rơi xuống, mà ý tưởng đến từ sự quan sát tinh tế và thấu đáo, rồi bằng sự trải nghiệm của mình làm những điều có sẵn trở nên mới mẻ và thú vị hơn. Vậy nên, không ngoa khi nói rằng, người có óc quan sát nhạy bén cùng sự trù phú về trải nghiệm sẽ làm nên những ý tưởng sáng tạo nổi bật và hay ho hơn. Chính cái tôi khác biệt của người làm sáng tạo là hạt giống để những “bông hoa” ý tưởng được nở rộ.
cái tôi khác biệt của người làm sáng tạo là hạt giống để những “bông hoa” ý tưởng được nở rộ
Cái tôi là tài sản quý báu
Tại sao cái tôi lại được ví như một tài sản quý báu? Bởi lẽ, nó là nguồn gốc của những ý tưởng độc đáo. Màu sắc, cá tính riêng biệt của một người sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ để thúc đẩy những ý tưởng mới thú vị hơn, nhất là đối với những ai đang làm việc trong lĩnh vực sáng tạo.
Nói như vậy không có nghĩa là cái tôi của mỗi người chỉ có thể phát triển khi đứng riêng lẻ. Mà ngược lại, trong một môi trường yêu cầu sự sáng tạo liên tục, thì luôn cần những cái tôi đầy màu sắc cùng tựu lại để có thể tạo nên một ý tưởng đắt giá. Thật tuyệt vời nếu như một ý tưởng sáng tạo được tạo nên từ một cái tôi phong phú, nhưng câu chuyện sẽ trở nên thú vị hơn nhiều nếu như ý tưởng ấy được bồi đắp từ nhiều cái tôi với nhiều màu sắc khác nhau, tạo nên nhiều góc nhìn khác nhau và cũng là vun vén từ nhiều nguồn cảm xúc đẹp khác nhau.
Cái tôi cũng có thể bị ăn mòn
Thế nhưng, cuộc sống lại không mấy khi màu hồng như thế. Bởi ranh giới giữa tôn trọng cái tôi người khác và hòa tan với cái tôi người khác là vô cùng mong manh. Đôi khi, cái tôi của bản thân bị lấn át bởi những cái tôi khác mạnh mẽ hơn, bảo thủ hơn và khiến cho chúng ta, những con người sáng tạo, có cảm giác như cái tôi của mình đang dần dà bị ăn mòn. Khi cái tôi dần mất đi, cũng là lúc sự thoả hiệp bắt đầu.
Điều này dễ dàng nhận thấy nhất ở việc bản thân bị hoà tan vào những ý tưởng không phải của mình và mong chờ những ý tưởng do người khác tạo ra. Sự phụ thuộc càng ngày càng tăng, thì cũng là lúc yếu tố tự tin cũng như khả năng sáng tạo cũng đã không còn nữa. Điều này sẽ khiến phần sáng tạo bên trong chúng ta bị mất đi, thay thế bằng một cỗ máy sao chép thực thụ, dần trở thành một người thụ động và ỷ lại vào ý tưởng của người khác.
Cái tôi của chúng ta cũng có thể bị ăn mòn
Khám phá và thúc đẩy cái tôi trong sáng tạo
Thật khó để có thể ép buộc người làm công việc sáng tạo bỏ đi cái tôi của mình, bởi đó là tài sản quý báu duy nhất mà họ có được để tạo được dấu ấn của mình trên hành trình sáng tạo.
Vậy đâu là cách để bản thân nuôi dưỡng và phát triển bản ngã theo hướng tích cực? Để nuôi dưỡng cái tôi của bản thân, điều tiên quyết cần thực hiện là ý thức được hệ giá trị của chính mình. Bởi khi bạn hiểu được hệ giá trị bản thân, bạn sẽ biết vì sao mình lại có được góc nhìn đó, ý tưởng đó, bạn tự thuyết phục được chính mình trước khi ra sức thuyết phục người khác. Việc ý thức được rõ ràng chuyện này, cũng có thể giúp bạn rất nhiều trong việc đối diện với những tình huống ý tưởng của bạn chưa nhận được sự đồng tình từ số đông. Hãy luôn ở tâm thế rằng ý tưởng của mình có thể có thiếu sót, nhưng tự tin rằng đó là đứa con tinh thần mà mình tạo ra nên cần được mọi người biết đến, cần đóng góp để có thể phát triển. Bên cạnh đó bản thân của mình cũng cần lắng nghe, thấu hiểu và đón nhận những đóng góp của các cá nhân khác trên tinh thần cầu thị, bởi con người là sinh vật có tính xã hội rất cao nên không thể sống đơn độc. Vậy nên bình tĩnh, lắng nghe và thấu hiểu trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau luôn là biện pháp hữu hiệu để cái tôi có thể được dung hoà, nuôi dưỡng một cách lành mạnh.
Bình tĩnh, lắng nghe và thấu hiểu trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau luôn là biện pháp hữu hiệu để cái tôi có thể được dung hoà, nuôi dưỡng một cách lành mạnh
Với những ai đã và đang theo con đường sáng tạo, việc giữ cho mình một bản sắc riêng, để lại dấu ấn mang tính khác biệt trong lòng mọi người là một điều rất quan trọng. Apex hiểu rằng, bỏ đi cái tôi trong lĩnh vực sáng tạo đồng nghĩa với việc bạn tự biến mình thành một cỗ máy sao chép, nhưng dính chặt vào cái tôi bảo thủ sẽ khiến bản thân tự tách biệt với mọi người. Vậy nên, làm việc, học tập trong một môi trường dung dưỡng cho một cái tôi hài hòa với mọi cái tôi khác luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc phát triển bản thân. Đó cũng là mục tiêu quan trọng trong phát triển đội ngũ nhân sự của Apex.
Tại Apex, chúng tôi luôn cố gắng tạo ra một môi trường mà ở đó cái tôi của các thành viên được dung hoà cho một kết quả chung hoàn hảo nhất. Mọi ý tưởng, đóng góp đều được lắng nghe và thấu hiểu trên tinh thần cởi mở và tôn trọng lẫn nhau. Đó đồng thời là phẩm chất và đặc điểm tính cách của một Apex-er. Cái tôi là một phần không thể thiếu trong mỗi người, đặc biệt với người làm nghề sáng tạo. Đừng để sự sáng tạo bị nhấn chìm trong những tiêu cực, mà hãy nuôi dưỡng cái tôi một cách đúng đắn.
Nếu được ví cái tôi sáng tạo là một gam màu bất kỳ, bạn nghĩ cái tôi sáng tạo của bạn mang gam màu nào? Hãy chia sẻ cho Apex biết nhé!