Người ta thường nói: “Im lặng là vàng” và đôi khi, việc giữ kín miệng có thể là một chiến lược thông minh. Hẳn là có nhiều lý do để hợp thức hóa quyền được im lặng, thế nhưng bằng cách này hay cách khác, vô tình sự im lặng có khi trở thành sự tránh né tiêu cực, được áp dụng như một biện pháp ngắn hạn mà bản thân tự đề ra để không phải đối mặt với sự phê phán, góp ý trong một cuộc họp hoặc trò chuyện. Điều này có thể dần dần tạo thành thói quen hay thậm chí là những cá nhân chỉ biết gật gù cho qua chuyện.
Thật khó để thúc đẩy sự thay đổi khi bản thân chưa nhìn nhận ra đâu là cốt lõi của vấn đề, hay làm thế nào để không trở thành cỗ máy gật gù thì hãy cùng Apex khám phá tại những dòng tiếp theo của bài viết này để tìm ra lời giải nhé!
Có phải bạn đang sợ?
Sự thật là dành hàng giờ để bàn tán, trò chuyện về một chủ đề mà mình yêu thích tại một quán cà phê với một hoặc một vài người bạn thân thì luôn dễ hơn rất nhiều so với việc nêu lên ý kiến, quan điểm của cá nhân trong mỗi cuộc họp, trò chuyện xoay quanh yếu tố công việc với một vài đồng nghiệp. Cũng là nói chuyện, cũng là mình, vậy tại sao lại như thế?
Gốc rễ của nỗi sợ lại đến từ chính suy nghĩ của chúng ta về chính chúng ta
Đa số mọi người thường nghĩ, sự im lặng xuất phát từ yếu tố ngoại cảnh: do chủ đề không thú vị, do không có cơ hội hay khoảng trống để lên tiếng,… Tuy nhiên, gốc rễ của nỗi sợ lại đến từ chính suy nghĩ của chúng ta về chính chúng ta. Sợ ý kiến của bản thân bị bác bỏ, sợ những lời nhận xét, sợ những ánh mắt hướng về mình và vô vàn những nỗi sợ vô hình khác. Và rồi những cuộc họp chỉ nghe được giọng của 1-2 cá nhân suốt mấy mươi phút đồng hồ cũng xuất phát từ đây.
Một điều hiển nhiên là mỗi người trong chúng ta sẽ có mức độ giao tiếp khác nhau, không ai sinh ra là có thể giao tiếp thành thạo cả, nhưng đó không phải lý do để chúng ta cho phép bản thân im lặng, vì điều đó nghĩa đến việc bạn đang tự giới hạn sự phát triển của kỹ năng này. Và thật ra, bạn cần phải xóa bỏ nỗi sợ này bằng mọi giá, bởi kỹ năng giao tiếp hay tư duy phản biện chính là những điều kiện cần ở nhân sự trong thị trường lao động hiện nay.
Đừng quên rằng, mỗi từ ngữ, mỗi cuộc trò chuyện đều là một cơ hội tuyệt vời giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, chia sẻ ý kiến và xây dựng kỹ năng giao tiếp hiệu quả hơn.
Lấy lòng hay Được lòng
Trong môi trường làm việc, nhân viên thường có tâm lý tránh làm phật lòng lẫn nhau và lựa chọn “gật gù” hay hùa theo trước mọi ý kiến kể cả những điều mà bản thân thấy không khả thi. Họ cho đây là một cách để mình không làm mất đi hình ảnh tốt của bản thân trong mắt người khác. Vô tình hành động này lại chính là sự lấy lòng, hay thường được nói với hai từ “thảo mai”.
Hãy tự tin nói lên quan điểm của mình bằng những lập luận chặt chẽ, thuyết phục được mọi người xung quanh
Thay vì lấy lòng bằng những hành động như trên, hãy tự tin nói lên quan điểm của mình bằng những lập luận chặt chẽ, thuyết phục được mọi người xung quanh là bạn đang thực hiện những lời nói được lòng thành công. Chắc chắn lời nói được lòng này sẽ làm tăng sự tôn trọng của mọi người dành cho bạn hoặc chí ít bạn sẽ không bị mang danh là nịnh bợ.
Lời nói tốt bắt nguồn từ thái độ tốt
Để có thể “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” thì trước hết chúng ta cần có một suy nghĩ tích cực và chân thành, thẳng thắn với những điều mà bản thân sắp nói ra. Bởi mọi kỹ năng nói chung và kỹ năng giao tiếp nói riêng đều cần bắt đầu bằng một thái độ, lẫn tư duy đúng đắn.
Chúng ta hoàn toàn có khả năng điều chỉnh như thế nào để lời nói của bản thân có giá trị thật sự
Trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có khả năng quyết định và chủ động lựa chọn loại thái độ và cách hành xử cho từng loại tình huống cụ thể. Thái độ là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp bạn vượt qua những thăng trầm vốn có cuộc sống này. Nó chính là yếu tố thể hiện với thế giới xung quanh bạn là người như thế nào. Cách bạn nhìn nhận và xử lý một vấn đề về lâu dài sẽ trở thành kiểu tư duy mặc định trong tâm trí bạn. Cũng giống như lời nói, chúng ta hoàn toàn có khả năng điều chỉnh như thế nào để lời nói của bản thân có giá trị thật sự. Và những lời nói tốt luôn song hành với một thái độ đúng đắn.
Cởi lòng – mở lời.
Nếu bạn cảm thấy sự gật gù của bản thân đến từ “tự ti” thì hãy thêm “n” vào đó, bằng những cách sau:
- Hình dung về sự tự tin trong giao tiếp
Cởi bỏ những suy nghĩ rụt rè, những ám ảnh về đối thoại trong quá khứ. Nghe chẳng đơn giản chút nào, tuy nhiên, bạn hãy chủ động đặt mình vào cuộc trò chuyện một cách cởi mở, luôn giữ thái độ tích cực. Luôn nhớ rằng lời nói của bản thân dù ít đi chăng nữa, nhưng vẫn có thể có trọng lượng nhất định trong một số tình huống, nên hãy mạnh dạn nói lên quan điểm của mình. Và cũng nên lưu ý, đừng tự tin thái quá hay phô trương quá đà về bản thân.
- Phản hồi là tôn trọng
Phản hồi mang tính xây dựng bằng cách nêu ra những ý trong lời nói của người đối diện mà mình cảm thấy đồng tình kế tiếp là bổ sung ý kiến của bản thân. Vừa cho thấy bản thân có lắng nghe, vừa thể hiện sự đóng góp đó chính là củng cố sự tự tin và tôn trọng lẫn nhau trong giao tiếp.
- Luôn cầu thị
Không ai là hoàn hảo trong giao tiếp cả vì vậy sẽ có những thiếu sót và luôn giữ cho mình sự cầu thị khi đón nhận những phản hồi chính là cách để cả hai lấp đầy những thiếu sót ấy. Đừng cố thu hẹp bản thân bởi những nỗi sợ vô hình mà đánh mất đi nhiều cơ hội được lắng nghe.
Bạn làm được!
Hãy giao tiếp đó là những cơ hội để phát triển, để học hỏi và trở nên mạnh mẽ hơn. Thay vì tự ti, hãy nhìn nhận mình với tâm hồn của người khám phá, sẵn sàng đối mặt với những khía cạnh khác nhau của bản thân mình. Bởi lẽ, lời nói của bạn không chỉ là con đường dẫn đến sự tự tin mà còn là chìa khóa mở cánh cửa cho những trải nghiệm mới, những mối quan hệ sâu sắc và một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa.
Thay vì tự ti, hãy sẵn sàng đối mặt và nhìn nhận mình với tâm hồn của người khám phá
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, Apex biết và luôn luôn chú trọng đến giao tiếp giữa các nhân sự với nhau. Ở Apex luôn mong muốn một môi trường làm việc mà ở đó đề cao tính sáng tạo xen lẫn yếu tố hài hoà, cởi mở giữa các cá nhân với nhau. Có thể nói, chìa khóa thành công của Apex là luôn khuyến khích đội ngũ nhân sự trao đổi, giao tiếp với nhau liên tục nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất cho các vấn đề.