Là những EventProf (nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp) chúng tôi thường nói nửa thật nửa đùa với nhau “Tổ chức sự kiện là nghề vào thì dễ, mà trụ lại thì khó” vì chính bản chất khắc nghiệt nhưng rất thăng hoa của chính nó. Chúng ta đến với tổ chức sự kiện thoạt đầu vì đam mê, vì sức hấp dẫn khó cưỡng, hay vì rất nhiều thứ khác nhưng hành trình từ EventFresh đến EventPro không chỉ đòi hỏi rất nhiều cố gắng, nỗ lực mà còn đòi hỏi cả việc tự đánh giá, nhìn nhận, phát triển hệ giá trị bản thân sao cho phù hợp nhất với những giá trị mà nghề này đòi hỏi.
1. Sáng tạo thôi chưa đủ, học hỏi làm giàu thêm “chiếc đũa ma thuật” của một EventProf
Về bản chất, tổ chức sự kiện là một nhánh của truyền thông – marketing, chính vì thế, sáng tạo là yếu tố bắt buộc để tạo nên sự khác biệt, câu chuyện và thông điệp mà sự kiện muốn truyền tải. Ý tưởng sáng tạo chính của một sự kiện hay còn gọi là concept, được xem như nền móng và khung sườn vững chắc của một ngôi nhà, làm điểm tựa cho tất cả những hoạt động sáng tạo, nghệ thuật còn lại theo sau, điểm tô và thể hiện trọn vẹn concept ấy. Nó cũng giống như việc, ta xây một toà nhà cao tầng, sẽ khác xây một ngôi nhà để ở, ngoài việc khác nhau về kết cấu, nó còn bao gồm cả sự khác nhau về chất liệu, màu sắc, nội thất… làm nên toà nhà hay ngôi nhà ấy. Chính vì điều này, concept thực sự giữ vai trò rất quan trọng trong việc thiết kế kịch bản, thiết kế mỹ thuật của sự kiện, từ đó định hình cảm giác, trải nghiệm của người tham dự.
Tuy nhiên, dưới góc độ của một EventProf, nếu chỉ chăm chăm và ưu tiên sáng tạo concept vẫn chưa đủ vì trên thực tế, ý tưởng sáng tạo đến từ tư duy, phân tích, trải nghiệm… chính vì vậy, trùng lặp ý tưởng là điều khó tránh khỏi. Thay vào đó, bản lĩnh của một EventProf nằm ở chỗ, cũng với ý tưởng đó, concept đó, cách thể hiện độc đáo sẽ như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi này, người làm nghề tổ chức sự kiện phải thực sự mở rộng tâm hồn, trí óc để quan sát, chắt lọc và tiếp nhận những kinh nghiệp, tri thức… góp nhặt từ cuộc sống chung quanh, từ những sự kiện quốc tế, hay thậm chí từ chính đối thủ của mình. Chính sự học hỏi một cách cầu thị là chìa khoá mở ra hành trình tự hoàn thiện kĩ năng, tư duy nghề nghiệp của một EventProf giúp bản thân và đội ngũ của chính bạn ngày càng thành công hơn với lựa chọn nghề nghiệp của mình.
2. Hiểu rõ sức ép của việc “làm dâu trăm họ”
Đây chính là việc “vào thì dễ, mà trụ lại thì khó” vì chọn con đường trở thành một EventProf chính là chọn học và ứng dụng bài học “adopt & adapt” (tạm dịch: “chấp nhận & thích nghi”) mỗi ngày trong sự nghiệp của mình đối với từng nhóm người tiếp xúc.
Đối tượng đầu tiên, rất dễ đoán: khách hàng. Để làm việc với khách hàng, một EventProf bên cạnh sự uyên bác về kiến thức chuyên môn, cũng cần có khả năng diễn giải, truyền đạt một cách dễ hiểu và thuyết phục về những gì mong muốn thực hiện trong sự kiện. Có thể dưới góc độ của một người làm nghề, một sự kiện có thể sẽ rất nhỏ hoặc rất lớn, nhưng dưới góc độ của khách hàng, tầm quan trọng của một sự kiện được xem là tuyệt đối và một EventProf cần thể hiện sự am hiểu về thương hiệu của khách hàng, sự đồng cảm trong việc xây dựng chương trình, đưa ra ý kiến đóng góp để định hướng khách hàng, chứ không gò ép họ đi theo mô-típ mình đã xây dựng sẵn. Nếu thành công, và trở thành người bạn, đối tác tin cậy của khách hàng thì với những mối quan hệ, đối tượng tiếp theo sẽ dễ thở hơn hẳn.
Nhóm đối tượng thứ hai là các đối tác của một EventProf. Đối tác được định nghĩa là đội ngũ, là nhà cung cấp, là nghệ sĩ… là những người cùng thực hiện để biến những ý tưởng trên giấy thành một sự kiện chỉn chu trên thực tế. Vấn đề lớn nhất giữa một EventProf với nhóm đối tượng này chính là sự tương tác, đối thoại các thông tin cùng nhau để giữ sự kiện được vận hành một cách nhịp nhàng. Mỗi con người thuộc nhóm đối tượng này không gì khác hơn mắc xích quan trọng của cả một chu trình, chỉ cần một mắc xích yếu gãy thì hệ quả sẽ rất khó lường. Sự đối thoại thẳng thắn, hướng đến kết quả chính là yếu tố giúp sợi xích trở nên chắc chắn hơn để cùng nhau chinh phục cái đích cuối cùng là sự kiện được kết thúc trong sự thành công rực rỡ.
Đó là hai nhóm đối tượng thuộc khía cạnh công việc, tuy nhiên, một khía cạnh quan trọng không kém đó chính là gia đình. Trên thực tế, cha mẹ, vợ chồng, con cái… của một EventProf sẽ là những nhân vật khó thuyết phục nhất và khó chấp nhận nhất con đường nghề nghiệp này. Hãy hình dung, nghề tổ chức sự kiện đồng nghĩa với việc ăn ngủ nhiều ngày liên tục tại hiện trường, những ngày đi sớm về hôm, những ngày cuối tuần tạm gác thú vui riêng để tập trung cho công việc… Vì vậy, đây mới chính là thử thách lớn nhất của một EventProf trong việc thuyết phục, trò chuyện để đôi bên có sự cảm thông và bao dung để chấp nhận bản chất, tính khắc nghiệt của nghề.
Cuối cùng, và cũng quan trọng nhất, chính là bản thân của một EventProf. Một EventProf bên cạnh việc yêu nghề, còn phải biết cách cân bằng mọi khía cạnh trong cuộc sống để vừa làm nghề, vừa sống cuộc đời mà mình mong muốn chứ không phải bị bào mòn bởi nó. Có bao giờ, bạn nghĩ đến điều này và có cuộc đối thoại thực sự nghiêm túc với bản thân về việc: cuối cùng thì bạn muốn trở thành một EventProf vì điều gì và bạn có sẵn sàng đi với nó đến tận cùng cùng ngọn lửa đam mê luôn cháy bỏng?