Tạo một cuộc trò chuyện giữa các nhân sự với nhau được xem là biện pháp hữu hiệu để phá tan bầu không khí tẻ nhạt trong môi trường văn phòng. Những buổi “tám chuyện” này không chỉ tạo ra không gian thư giãn, mà còn có khả năng truyền tải năng lượng tích cực và thúc đẩy tạo ra những ý tưởng sáng tạo mới trong lúc mọi người cùng chia sẻ. Từ đó giúp người làm sáng tạo có nhiều góc nhìn hơn, và hiểu được mong muốn của khách hàng tốt hơn. Vậy làm sao để cuộc trò chuyện giữa giờ thú vị mà không biến thành buổi họp chợ? Để Apex mách bạn vài tips trong bài viết này nhé!
Đâu là cách tạo ra một cuộc trò chuyện?
Bắt chuyện với ai đó thực sự là một thách thức, nếu bạn không biết phải bắt đầu từ đâu. Dần dần việc đó hình thành nên những nỗi sợ vô hình, những câu hỏi như “nói như thế nào để mọi người đều vui, muốn nói chuyện tiếp với mình, mình có đang thú vị hay không?” bắt đầu xuất hiện dày đặc trước khi bạn muốn bắt đầu một câu chuyện. Tuy nhiên, đừng lo lắng, vì ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình không có gì để nói, vẫn có nhiều cách để tạo ra cuộc trò chuyện sâu sắc và thú vị.
Những buổi “tám chuyện” không chỉ tạo ra không gian thư giãn, mà còn có khả năng truyền tải năng lượng tích cực và thúc đẩy tạo ra những ý tưởng sáng tạo
Thật dễ để bắt đầu một câu chuyện!
Hãy suy nghĩ thật đơn giản và để tinh thần bạn trở nên thoải mái nhất. Tìm các đề tài thông thường mà bạn có thể nói được và học cách lắng nghe chủ động để cuộc trò chuyện luôn thú vị.
Hãy thử bắt đầu bằng một lời khen:
Tìm một điểm tốt trong tính cách hoặc trang phục của họ để khen ngợi. Hãy chân thành trong lời khen, kẻo họ cảm thấy bạn không thật lòng và ngại nói chuyện với bạn. Bạn nên lưu ý cố gắng dùng các câu hỏi mở càng nhiều càng tốt, để mạch chuyện không bị đứt đoạn bằng các câu trả lời “có” hoặc “không”. Duy trì cuộc trò chuyện bằng một câu hỏi tiếp theo lời khen để họ đáp lại.
Nói một điều tích cực:
Hãy chậm rãi bắt đầu bằng việc kể về thứ mà bạn thích và hỏi họ thấy nó thế nào để lôi cuốn họ vào cuộc trò chuyện. Hay những câu khen như “Hôm nay bạn mặc cái áo này đẹp lắm”, hay “Hôm nay ai cũng vui quá nè” cho họ hình dung nó là như thế nào.
Đề cập đến sự vật xung quanh:
Quan sát mọi thứ xung quanh chẳng hạn như thời tiết, khung cảnh, một sự vật hiện tượng nào đó đang xảy ra hoặc đã xảy ra. Ví dụ bạn có thể nói: “Hên mà hôm nay có mang dù, sáng giờ trời cứ mưa suốt!”
Bình luận về phim ảnh chương trình truyền hình hoặc sách báo:
Những yếu tố giải trí luôn là đề tài thu hút nhiều khán giả, thế nên bạn hãy nói về các bộ phim hoặc âm nhạc đang thịnh hành hay một trận bóng mà bạn vừa xem hoặc nghe để tìm hiểu xem đối phương thích gì từ đó mở rộng câu chuyện hơn. Đây cũng là cách tương đối dễ và được nhiều người áp dụng thành công.
Nói về những trải nghiệm đã qua của bản thân
Kể một câu chuyện thú vị mà bản thân đã trải qua là một cách hay để bắt đầu một câu chuyện. Từ đó, duy trì mạch chuyện khuyến khích đối phương cũng chia sẻ để những cuộc trò chuyện trở nên thú vị và không đi vào ngõ cụt.
Có thể thấy khi đã bắt đầu câu chuyện thành công và thoải mái hơn với việc trò chuyện với người khác, bạn sẽ luôn biết cách bắt chuyện trong bất kỳ tình huống nào.
Mách bạn quy tắc 3K chinh phục mọi cuộc trò chuyện: KHÔNG NÓI XẤU CÔNG TY – KHÔNG NÓI XẤU KHÁCH HÀNG – KHÔNG NÓI NHỮNG VIỆC TIÊU CỰC
Việc đặt ra quy tắc 3K giúp chúng ta lưu ý để không biến mình thành “bà tám công sở” hay “ông hoàng drama” trong những cuộc trò chuyện này. Nên tránh những chủ đề nhạy cảm đào sâu vào đời tư của người khác, lương bổng hay nói xấu công ty, nói những điều không hay về khách hàng. Và đặc biệt nên “né” những câu chuyện theo chiều hướng tiêu cực. Bên cạnh đó, ta cũng nên cân nhắc thời gian hợp lý, tán gẫu quá lâu ảnh hưởng đến tiến độ làm việc, và không nên làm phiền đồng nghiệp khác nếu họ muốn dành thời gian nghỉ ngơi một mình.
Điều đặc biệt về những câu chuyện phiếm
Đối với nhiều người cho rằng, những cuộc “ tám” chuyện giữa giờ tại văn phòng làm việc thường bị xem là vô bổ và không cần thiết. Nhưng có một sự thật chúng ta phải công nhận rằng, con người không phải một cá thể độc lập, chúng ta không thể sống và tồn tại khi chỉ có một mình. Nếu ở một góc nhìn khác cởi mở hơn thì những câu chuyện “vô tri” này lại đem đến nhiều khía cạnh tích cực cho mọi người. Nó có thể là một liều thuốc giúp chúng ta giảm các chịu chứng căng thẳng cấp tốc.
Đôi khi, những cuộc trò chuyện nơi công sở lại có thể trở thành một bệ phóng ý tưởng tuyệt vời
Điều đặc biệt nhất mà ít ai nhận ra là từ những câu chuyện nhỏ ấy lại có thể trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho việc thúc đẩy tư duy sáng tạo. Đôi khi, những cuộc trò chuyện nơi công sở lại có thể trở thành một bệ phóng ý tưởng tuyệt vời. Bởi đâu đó trong những cuộc trò chuyện, ý tưởng đôi khi có thể đến từ một từ khóa được nhắc đến, hay một chủ đề thú vị chẳng hạn. Mọi câu chuyện mà người khác chia sẻ cho bạn hoàn toàn có thể mang đến những ý tưởng sáng tạo độc đáo, nếu bạn biết chọn lọc và sử dụng nó đúng cách.
Vì vậy, dưới lớp vỏ “vô nghĩa,” những câu chuyện phiếm có thể chứa đựng nhiều giá trị tích cực từ việc thúc đẩy sự sáng tạo đến tạo cơ hội kết nối và xây dựng môi trường làm việc thoải mái hơn. Khi đó, mọi người như được thoát vai là creative, thoát khỏi mood “mèo khen mèo dài đuôi”, họ có xu hướng trở nên nhạy bén, nhìn thấy nhiều góc nhìn chân thực, thực tế và gần với mong muốn số đông hơn. Từ đó, bản thân những người làm sáng tạo sẽ hiểu hơn về tâm tư suy nghĩ của khách hàng, và đáp ứng được mong muốn của khách hàng tốt hơn.
Khi tiếng cười tạo nên ý tưởng
Với những lợi ích nêu trên thì việc trò chuyện giữa giờ tưởng chừng là vô bổ không cần thiết, nhưng thực tế lại đem đến rất nhiều lợi ích ngầm nếu được khai thác đúng hướng. Đó cũng chính là lý do vì sao tại văn phòng Apex ngoài những cuộc họp căng thẳng, những giờ làm việc tập trung cao độ thì vẫn ngập tiếng cười nói rôm rả của các nhân viên. Ở nhiều môi trường cần sự sáng tạo nói chung, cũng như Apex nói riêng thì việc trò chuyện sẽ giúp ích cho những ý tưởng có cơ hội tuôn trào và hơn thế nữa.
Tại văn phòng Apex ngoài những cuộc họp căng thẳng, những giờ làm việc tập trung cao độ thì vẫn ngập tiếng cười nói rôm rả của các nhân viên
Luôn nhớ rằng nhìn mọi thứ theo hướng tích cực hơn, nó sẽ không làm thay đổi bản chất vấn đề nhưng nó sẽ thay đổi thái độ của bạn và cách bạn giải quyết vấn đề như thế nào. Hy vọng những thông tin trên có thể giúp ích cho bạn, và nếu bạn có cách nào khác để bắt đầu một câu chuyện có thể cho Apex biết thêm ở dưới phần bình luận nha!