KHÍ CHẤT CHÍNH LÀ THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN!
Đương nhiên khí chất là của riêng mỗi người, không ai giống ai. Khí chất cũng không phải là lúc nào cũng ngời ngời, hừng hực như kiểu “ra trận”. Khí chất là nét riêng, là năng lượng của một người không lẫn với ai khác, là điều mà người khác nói về khi không có mình. Vậy khí chất được tạo thành bởi những yếu tố nào?
Khí chất = Tố chất + Thể chất + Vật chất
“Tố chất” chính là kiến thức, là năng lực, là những gì bản thân bạn đang có. Để có tố chất tốt, ngoài khả năng thiên bẩm, cần rèn luyện và trau dồi tích cực về tư duy, kiến thức, thái độ và năng lực. Như công thức ASK, với K là Knowledge, S là Skill, A là Attitude, thì 3 yếu tố này cần phát triển song song, trong đó nền tảng tư duy chính là yếu tố quan trọng nhất với “chiêu” 16 tư duy cốt lõi mà chị Ngọc Huệ chia sẻ .

Từ định kiến trở thành tư duy mở, từ dòng chảy trở thành tích tụ, hay từ việc người khác trở thành việc của mình…, chỉ cần chúng ta biết cần thay đổi, biến chuyển tư duy theo hướng nào, thì khả năng thành công của chúng ta sẽ cao hơn.
Về “Thể chất”, sức khỏe chính là kim chỉ nam của mọi hoạt động trong cuộc sống. Khi chúng ta chăm sóc thể chất, đồng nghĩa với việc chúng ta có thêm sức mạnh để duy trì trạng thái ổn định trong công việc và đời sống thường nhật. Chăm sóc thể chất không chỉ dừng lại ở sức khỏe vật lý mà đó còn là sức khỏe tinh thần. Khi bạn khỏe mạnh từ tinh thần đến cơ thể, bạn sẽ mang lại nguồn sinh khí tích cực, lạc quan và vô cùng vững chắc đến với cộng đồng xung quanh. Nhưng giá trị nhất là, việc rèn luyện thể chất cũng chính là rèn luyện ý chí khi vượt qua những “cám dỗ” bản thân để duy trì được việc tập thể dục đều đặn. Đương nhiên bên cạnh việc tập thể dục, thể chất tốt còn bao gồm cả ăn đúng cách, đủ giờ, dinh dưỡng hợp thể trạng, và duy trì tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh.


Về “Vật chất”, chị Quỳnh Thư có chia sẻ “You are what you wear!”. “Vật chất” hay là “wear” không đơn thuần mang nghĩa tài chính hay của cải. Đó là tổng thể “giao diện bên ngoài” của con người bạn, bao gồm cả cách ăn mặc, tóc tai, phụ kiện, trang điểm, cách nói năng đi đứng, cách thể hiện bản thân mình sao cho hợp mình, hợp người, hợp bối cảnh.
Tại buổi hội thảo, chị Quỳnh Thư cũng chia sẻ rằng, xây dựng thương hiệu cá nhân cần được lên kế hoạch một cách bài bản bằng việc xác định mục tiêu rằng mình muốn gì, mình muốn trở thành ai, và triển khai kế hoạch này một cách nhất quán, liên tục, lâu dài. Không thể thành công trong việc “ấn định” một thương hiệu trong đầu tâm trí người khác mốt sớm một chiều mà cần có sự kiên nhẫn. Chưa kể, cần phải hiểu xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ đi theo lộ trình từ vô thức đến ý thức, để từ đó bất kì điều gì bạn phát ngôn hoặc “trình bày” bản thân mình cho người thứ 2 trở lên đều “nằm trong kế hoạch” một cách có chủ ý. Đến mức, từ vô thức đến ý thức và trở thành tiềm thức để nhắc nhở hành vi, thái độ, phong cách của bản thân trong mọi mối quan hệ.

Nói riêng về việc làm sao có được những nội dung hay trên mạng xã hội, chị Thư có chia sẻ, cần hình thành 2 thói quen:
- Thói quen viết note mọi lúc mọi nơi có thể, ngay khi có ý tưởng nội dung trong đầu thì cần note lại, như khi di chuyển trên xe, trong khi chờ họp…
- Thói quên lưu giữ những nội dung theo chủ đề, như dành cho con, dành cho chồng, dành cho đồng nghiệp…, từ những note cá nhân hoặc sưu tầm được, để tạo thành kho nội dung phong phú
Khi xác định được thương hiệu cá nhân cần xây dựng theo hướng nào, bạn chỉ cần chia sẻ những nội dung trên theo thời gian thích hợp của bản thân mình, và tránh việc “lạm bàn” quá nhiều nội dung không phải thế mạnh bản thân. Cũng lưu ý rằng, cộng đồng mạng luôn cần những nội dung thật và tích cực, truyền cảm hứng.
Vậy bạn đã có kế hoạch xây dựng thương hiệu cá nhân chưa? Bạn muốn người khác định nghĩa về bạn như thế nào? Những hình ảnh trong bài viết là định nghĩa của mọi người về chị Lê Quỳnh Thư – sếp của Apex tụi mình, bạn thấy có đúng vậy không?
